56 Linh Mục tham dự thường huấn "Cross Cultural Ministry" do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh phụ trách

 56 Linh Mục tham dự thường huấn "Cross Cultural Ministry" do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh phụ trách

Mời bấm vào đây để xem hình:
http://www.nghiasinh.org/?mode=pic_dsalbum&id_album=203

Vào ngày 26 tháng 6 năm 2014 vừa qua, ĐGM Phêrô Trần Thành Chung đã đâng thánh lễ tạ ơn, bế mạc khoá thường huấn cho các Linh mục tại Tòa Giám Mục Giáo phận Kontum. Đa số các Cha từ các vùng sâu vùng xa của Tây Nguyên về tham dự. Ngoài các Linh mục triều còn có các Cha thuộc các Hội Dòng như Dòng Thánh Đa Minh, Dòng Thánh Don Bosco, Dòng Thánh Phanxicô, Dòng Thánh Vinh Sơn và Dòng Chúa Cứu Thế. Nhiều Cha phải lái xe cả trăm cây số; nhiều đấng đã trên 75 tuổi mà vẫn hăng hái về tham dự chương trình thường huấn đặc biệt của giáo phận năm nay.

Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Hoa, Chánh văn phòng Tòa Giám Mục Kontum cho biết có 56 Linh mục dòng và triều hiện là quản xứ hay phó xứ đã về tham dự khoá thường huấn năm nay. Khóa TH được tổ chức từ ngày 24 đến 26 tháng 6 năm 2014 tại Tòa Giám Mục Kontum. Chủ đề của thường huấn 2014 là “Lãnh đạo trong Đời sống Tập thể” với trọng tâm hội học và thảo luận về truyền giáo cho người sắc tộc (cross cultural ministry) bằng ngôn ngữ của người bản xứ (bilingual communication ministry). Trong phần khai mạc, ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh đã nói về tầm mức quan trọng của thường huấn. Đức Cha đã làm gương trong việc ngài đã hiện diện trong tất cả các giờ hội học thường huấn năm 2012, 2013 và 2014.

Bàn về chủ đề của chương trình thường huấn năm nay, Đức Cha Micae cho biết đào tạo là ưu tiên số 1 của giáo phận và việc bồi dưỡng kiến thức cùng kỹ năng tổ chức và lãnh đạo sẽ giúp quý Cha trong việc thi hành sứ vụ rao giảng Lời Chúa hữu hiệu hơn, nhất là phương pháp truyền giáo liên văn hóa (cross cultural ministry) – tìm hiểu và tôn trọng những giá trị văn hóa của người sắc tộc và truyền đạt tư tưởng bằng song ngữ và ngôn ngữ của người sắc tộc (bilingual communication ministry). Sau phần huấn từ, ĐGM Micae đã giới thiệu Thầy hướng dẫn chương trình là Tiến sĩ Giuse Nguyễn Trung Hiếu, người đã tận tâm, tận lực đến giúp Giáo phận Kontum trong 3 năm qua (2012, 2013 và 2014). Đức Cha cũng cho biết ngài đã mời Huynh Trưởng Nghĩa Sinh Nguyễn Trung Hiếu tiếp tục đến giúp thường huấn Linh mục và Tu sĩ trong hai năm tới (2015 và 2016).

Lãnh đạo phục vụ (Servant leadership)

Khoá thường huấn đã chú tâm đến phương cách lãnh đạo và làm việc nhóm sao cho thích nghi hơn với ơn gọi và sứ vụ linh mục là (1) RAO GIẢNG, (2) THÁNH HÓA và (3) LÃNH ĐẠO. Trong phần thảo luận, Thầy Giuse đã chia sẻ về phong cách lãnh đạo phục vụ theo Đức Kitô với những bài học về “người” lãnh đạo và “phong cách” lãnh đạo như tinh thần trách nhiệm, tinh thần hợp tác, sự thành thật và khiêm tốn. Lãnh đạo phục vụ là người khôn ngoan, biết đối thoại, nhạy cảm, quảng đại và đáng tin cậy. Người lãnh đạo phục vụ cần kiên trì, kiên quyết, kiên tâm và kiên nhẫn; biết nhận diện vấn đề và giải quyết vấn đề mhằm mang lại phúc lợi cho tập thể. Người lãnh đạo phục vụ cũng cần biết lựa chọn người trợ tá tài giỏi, biết chia sẻ công việc với người khác và biết chuẩn bị thế hệ kế thừa.

Mục vụ liên văn hóa (Cross cultural ministry)

Theo tài liệu thống kê của Tòa Giám Mục năm 2013, Giáo phận Kontum có tổng số 286.957 giáo dân, trong đó có 93.324 giáo dân người Kinh và 193.633 giáo dân người Thượng thuộc 8 sắc tộc khác nhau (Dân tộc J’rai, Sê Đăng, Bahnar, Rơ Ngao, Xơdrăh, H’lan, Yeh và Mường). Vì vậy, để việc truyền giáo được hữu hiệu, các Linh mục làm việc với các anh chị em dân tộc cần có kiến thức và kỹ năng về Mục vụ liên văn hóa (Cross cultural ministry) và mục vụ truyền thông song ngữ (Bilingual communication ministry) như thí dụ sau đây: 

Văn hóa người Kinh

Văn hóa người Thượng

· Hình thức truyền thông văn hóa của người Kinh thường là “cứng nhắc.”

 Hình thức truyền thông trong văn hóa của người Thượng thường là “linh động.”

· Mục đích việc học trong văn hóa của người Kinh thường là “để tôi biết.”

 Mục đích việc học trong văn hóa của người Thượng thường là “để tôi làm.”

· Phương cách học trong văn hóa của người Kinh hy vọng mọi người học bằng cách “lắng nghe.” 

 Phương cách học trong văn hóa của người Thượng hy vọng mọi người học bằng cách “hành động” tra tay vào làm.

·  Mục tiêu việc học trong văn hóa của người Kinh mong đợi học viên “học về mục vụ để truyền giáo.”

 Mục tiêu việc học trong văn hóa của người Thượng mong đợi học viên “học về mục vụ để biết về mục vụ.”

· Văn hóa của người Kinh chủ trương dạy học một cách “chính thức qua trường lớp.”

 Văn hóa của người Thượng thích được dạy học một cách “bán chính thức không qua trường lớp.”

· Truyền thông trong văn hóa của người Kinh dạy người ta “biết về Thiên Chúa.” 

 Truyền thông trong văn hóa của người Thượng giúp con người “nhận biết Thiên Chúa.”

· Đào tạo trong văn hóa người Kinh là “học cho bản thân mình.” 

Đào tạo trong văn hóa người Thượng là “học để họ có thể chia sẻ với người khác.”

· Tưởng thưởng về việc học trong văn hóa người Kinh là “nhận được điểm cao.”

 Tưởng thưởng về việc học trong văn hóa người Thượng là “để tự lực cánh sinh và niềm vui giúp đỡ người khác.”

· Trong văn hóa của người Kinh, giáo viên là người “đứng lớp giảng dạy.”

 Trong văn hóa của người Thượng, giáo viên là người “ngồi làm việc chung với học viên.”

· Mục tiêu giáo dục trong văn hóa của người Kinh là “kiến thức.”

 Mục tiêu giáo dục trong văn hóa của người Thượng là “sự khôn ngoan.” 

· Văn hóa người Kinh thường tập trung vào phương pháp làm việc “cụ thể cho một nền văn hóa.”

 Văn hóa người Thượng thường tập trung vào phương pháp làm việc “tổng quát cho nhiều nền văn hóa.”

Học thuyết Thông minh Đa diện (Theory of multiple intelligences)

Học thuyết Thông minh Đa diện (Theory of multiple intelligences) của Tiến sĩ Howard Gardner (1983) được coi là một phương thức thực tiễn trong việc giáo dục, đào tạo và truyền giáo. Thay vì chỉ có những học viên giỏi toán hay xuất sắc về ngôn ngữ mới được gọi là người thông minh thì những người ưu tú về âm nhạc, nghệ thuật, khoa học, triết học, thần học hay giao tiếp cũng là người thông minh. Thí dụ, người Kinh thường thông minh về toán học, ngôn ngữ học; người Thượng thường là thông minh về âm nhạc, nghệ thuật. Trong trường hợp nầy, giúp đỡ học viên sắc tộc phát huy khả năng âm nhạc hay nghệ thuật sẽ giúp họ thích thú hơn, hăng hái hơn, tự tin hơn … rồi từ đó chúng ta sẽ đặt nền móng phát triển trong các lãnh vực khác như ngôn ngữ hay toán học.

Thường huấn Tây Nguyên

Những ngày thường huấn Tây Nguyên đã qua đi nhưng hình ảnh của những buổi hội thảo, hội học ý nghĩa và hữu ích nầy vẫn còn đó. Kiến thức và kỹ năng thu thập được trong thường huấn là phương tiện giúp chúng ta đạt được mục đích nhanh chóng hơn và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp hơn. “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt.” Thợ gặt ra đi tay không và thợ gặt lên đường với những dụng cụ để gặt lúa, để xay lúa … chắc hẳn sẽ hân hoan trong công việc vì những dụng cụ mang theo đã giúp họ đỡ vất vả hơn, làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đó là lý do mà đào tạo là ưu tiên số 1 của Giáo phận Kontum như lời huấn từ Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh trong ngày khai mạc thường huấn năm nay.

- Nguyễn Công Chính

Nguyễn Công Chính
(07/07/2014 - 1880 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Nguyễn Công Chính