Bất hạnh và may mắn

 

Bất Hạnh và May Mắn

~ Khánh Vân ~

 

Đôi Lời Giới Thiệu

     Khánh Vân sinh trưởng ở Saigon. Sau năm thứ nhất Đại Học Kinh Tế Tp. HCM, cô sang Pháp học và tốt nghiệp Cử Nhân về Kinh Tế Tài Chính Kế Toán tại đây. Sau gần một thập niên sống, học và làm việc gần kịnh đô ánh sáng Ba Lê (Paris), Khánh Vân sang Mỹ tiếp tục học và làm việc cho AECOM International Development. Tuy bận rộn với việc học và việc làm, mỗi ngày cô vẫn dành giờ để làm việc thiện nguyện như chăm nom, vun tưới trang Website NS-45. Khánh Vân rất yêu thích thơ văn, viết về con người, tâm lý, thiên nhiên và tình người như bài, “Bất Hạnh và May Mắn” do Khánh Vân viết cách nay 5 năm.  Mà Liên Nghĩa hân hạnh giới thiệu đến các bạn hôm nay.

     Nếu bạn “nghiền” lối viết văn của Khánh Vân thì mời bạn thăm trang nhà của cô [www.khanhvanweb.com], nơi đó có văn, có thơ, có nhạc, có họa, có lời hay ý đẹp…

     Trời sinh Khánh Vân thích và chọn làm những việc khó. Cô hăng say biến khó thành dễ, biến bại thành thắng, biến buồn thành vui… Cám ơn Khánh Vân đã làm đẹp cho đời.

- Việt Phương 

 

Xe Honda của Má tôi ngừng trước Trung Tâm Ung Bướu, thuộc quận Phú Nhuận - Saigon.  Má tôi mang xe đi gởi và bảo tôi hãy vô trước.  Hãy lên lầu 3, dãy lầu bên trái, vừa lên đó thì sẽ thấy ngay phòng cậu Phong đang truyền "hóa trị", phòng đầu tiên bên phải.  "Con cứ lên trước, đi vô một mình cho cậu ngạc nhiên và vui."

Tôi theo đúng lời Má tôi chỉ dẫn và lên lầu 3.  Khi lên đến nơi, tôi cũng thấy một căn phòng lớn bên tay phải, nhưng khi vô được bên trong và nhìn quanh thì chẳng thấy cậu Phong tôi đâu.  Chắc không phải là căn phòng này, tôi thầm nghĩ, vì người đâu mà quá đông, căn phòng lại không có vẻ gì là nơi để truyền hóa trị cho những người bị ung thư (chimiothérapie/chemotherapy).  Nếu đúng là phòng của cậu Phong thì khi vô phòng sẽ phải thấy ngay cậu đang nằm trên giường với xung quanh là nhiều thiết bị máy móc.  Tôi phân vân rồi đi ra.  Tôi tiếp tục đi qua những phòng kế bên, nhưng người đâu cũng lại quá đông, vừa là bệnh nhân, vừa là thân nhân, họ cứ đứng, ngồi, san sát nhau, đông đúc như cảnh tượng ngoài một bến xe vậy.  Tôi không dám đi quá xa, sợ rằng mình đã đi lộn và Má tôi sẽ đi tìm, nên tôi ra lại cầu thang và trở xuống đất.  Cậu Cường của tôi cũng vừa mới đến và đang cùng Má tôi đi lên.

-   "Con chẳng thấy phòng cậu Phong nằm đâu hết!" - Tôi nói.

-   "Phải lầu 3, phòng đầu tiên không?" - Cậu Cường hỏi.

-   "Đúng mà, cháu cũng có đi qua những phòng bên cạnh nhưng cũng không thấy, có khi nào họ đã dời cậu Phong sang phòng khác không?"

Cả ba chúng tôi cùng lên lầu 3.  Cậu Cường ngừng trước căn phòng mà lúc nãy tôi đã đi vô.  Cậu vừa nhìn vào trong và vừa nói, "Cậu Phong ngồi bên phía tay phải đó, đi vô trong ấy sẽ thấy."

"Ôi, chính là cái phòng này sao?" -  Tôi tự nói với lòng mình.  Má tôi và cậu Cường tôi thì không cần vô làm chi, họ vẫn thường thay phiên nhau thăm đón cậu Phong và chỉ ngồi chờ bên ngoài chứ không vô trong, nhưng hôm nay thì tôi muốn vô tận trong để gặp mặt cậu Phong của tôi cho cậu vui.  Tôi chỉ vừa mới về tới Việt Nam tối hôm qua, sáng nay tôi đã dậy sớm để cùng đi với Má tôi đến thăm cậu Phong.  Chắc là cậu sẽ ngạc nhiên và mừng lắm.

Lúc nãy tôi còn được ra vô tự nhiên nhưng bây giờ đã có một cô y tá đứng chận ngay ở cửa phòng.  Cô ta không cho thân nhân nào vào phòng nữa vì phòng đã quá đông.  Tôi năn nỉ cô, "Hãy cho cháu vô gặp cậu cháu một chút thôi rồi cháu ra liền."  Cô y tá hơi lưỡng lự nhưng rồi cũng để cho tôi đi vô.  Trời ơi, bây giờ tôi mới quan sát kỹ, căn phòng chỉ sâu khoảng 5 thước và bề ngang khoảng 8 hay 9 thước, trong phòng có được 3 cái giường, trên giường có người nằm nhưng không phải là cậu Phong của tôi, những chỗ trống xung quanh 3 chiếc giường nhỏ được các bệnh nhân khác ngồi kín hết, họ chỉ chừa một lối ra vô nhỏ đủ để một người đi qua lọt.  Trên trần có 2 cái quạt máy đang quay phành phạch nhưng không khí vẫn nóng bức.  Tôi đưa mắt nhìn quanh tìm cậu Phong nhưng vẫn không thấy cậu tôi đâu.  Tôi lại trở ra và nói với cậu Cường: 

-   "Cháu vẫn không thấy cậu Phong đâu hết, chắc là cậu Phong đã xong và đi về rồi."

-   "Chưa đâu, tới trưa mới xong, cậu có hẹn với cậu Phong sẽ trở lại đón cậu Phong về mà, cậu Phong còn ở trong đó đó, đội cái nón trắng, vô tìm lại đi."

Tôi lại xin trở vô.  Lần này tôi đã cố len lỏi đi vô sâu bên trong và để ý tìm người đội nón trắng.  Tôi phải ráng nhìn từng người một.  Họ gần cả trăm người, đủ mọi lứa tuổi, khuôn mặt nào cũng vàng vọt, xanh xao, bệnh hoạn.  Họ ngồi la liệt và nhướng mắt lên nhìn tôi.  Tôi vừa bước đi nhè nhẹ vừa nói nho nhỏ với họ, "Cho cháu đi qua chút nha!"  Tôi gắng nhìn họ cười nhưng trong lòng thì dường như không còn kiềm chế được nữa nỗi xúc động của mình.  Bụng tôi cứ cuồn cuộn lên.  Tôi sắp khóc rồi nhưng phải ráng đè nén lại những giòng lệ.  Tôi không muốn cậu Phong nhìn thấy tôi khóc.  Cứ một cụm người thì tôi lại thấy có một cây móc áo.  Chúng được dùng để treo những bịch hóa chất và nước biển của các bệnh nhân.  Họ cứ ngồi đó, co rút và chen chúc nhau, chỉ có cánh tay là dang thẳng; họ kiên nhẫn chờ cho thuốc hãy mau đi hết vào người để họ được ra ngoài.  Tôi đã tìm ra cậu Phong của tôi.  Cậu ngồi trên một chiếc ghế thấp chưa đến đầu gối.  Cậu đội một nón trắng để che cái đầu đã rụng hết không còn một sợi tóc nào do hóa chất truyền vào người cậu quá độc hại.  Hóa chất đó có khả năng ngăn chận sự phát triển và ít nhiều giết chết những cội rể của ung thư nhưng đồng thời cũng có nhiều tác hại đến những bộ phận khác trong cơ thể.  Xung quanh cậu có nhiều người ngồi bẹp xuống cả nền chứ không phải ngồi trên ghế.  Tôi không thể ngồi xuống bên cậu Phong vì không có chỗ trống.  Tôi đứng gần đó, nhìn cậu và cố ráng mỉm cười.  Cậu là người đáng lẽ phải đang ngồi khóc nhưng cậu lại thật tươi tắn khi thấy tôi.

-   "Cháu mới về hả?  Đi với Má hả?" - Cậu Phong hỏi.

-   "Hồi nãy cháu có vô, tìm cậu hai lần luôn nhưng không thấy, nhờ cậu Cường nói cậu đội nón trắng nên lần này cháu mới tìm ra cậu.  Cậu không được nằm sao?"  Tôi hỏi.

-   "Ai đến sớm và phải yếu lắm mới được nằm.  Cậu ngồi cũng được, không sao, bao nhiêu người cũng ngồi như cậu đó thôi."  -  Cậu đã nhìn những kẻ cùng cảnh ngộ và bình thản trả lời.

-   "Thuốc truyền có đau không?"

-   "Không đau nhưng chỉ hơi nóng thôi, trong người cứ nóng bừng bừng lên, rất khó chịu."

-   "Thôi cháu đi ra nha, cô y tá không cho ở trong này lâu.  Cháu chờ cậu bên ngoài nha."

Tôi đi ra không phải vì cô y tá bắt ra sớm nhưng vì tôi không còn có thể kiềm chế được thêm giây phút nào nữa.  Tôi nói với Má, "Con đi xuống dưới lầu chút cho mát nha!" rồi vội vã bước đi.  Tôi cố ráng bước đi thật nhanh vì cảm giác nước mắt đã gần tràn ra ngoài.  Tôi ra ngồi ở một chiếc ghế đá đen đủi và nhìn lên những tầng lầu.  Sao mà chúng cũ kỹ và có vẻ dơ dáy quá!.  Có thể nói nơi này bị bỏ hoang thì chính xác hơn là gọi nó một bệnh viện.  Tại sao không ai sửa sang lại chúng cơ chứ?  Nhưng có lẽ là tôi không thực tế bởi nếu bên trong bệnh viện, trong các phòng chữa bệnh, đó là nơi cần được trang bị nhiều thiết bị chữa bệnh hiện đại hơn, đầy đủ hơn mà còn chưa được như vậy thì làm gì cái bề ngoài của các tầng lầu này được sửa sang.

Tôi thật sự không ngờ rằng ở đất nước tôi, ở quê hương tôi, đã hơn 25 năm đất nước được hòa bình, nhưng đất nước vẫn còn nghèo, đời sống của người dân vẫn còn thiếu thốn.  Phải đi vào những nơi như bệnh viện này thì mới thấy được ít nhiều sự thật thân phận của những người dân khốn khổ.  Có quá nhiều cảnh thật thảm thương.  Bị ung thư, bị truyền hóa trị, hóa chất đó rất mạnh và có thể có nhiều phản ứng cho cơ thể bệnh nhân, họ có thể bị sốc và chết bất cứ lúc nào... vậy mà một cái giường cũng không có đủ cho họ nằm.  Dường như trong nguyên cả bệnh viện này chỉ có duy nhất một căn phòng lúc nãy là được dùng làm nơi truyền hóa trị cho những người bị ung thư.  Những kẻ xấu số này, họ bị bệnh bên trong nhưng cái hoàn cảnh bên ngoài, xung quanh họ, cũng bệnh hoạn không kém gì, chúng không giúp họ có thêm tinh thần để đấu tranh với cái chết.

Má tôi, cậu tôi, nói chung những người thân thương của tôi còn ở Việt Nam, họ rất bình thản trước những tình cảnh này.  Có lẽ vì họ đã quen chấp nhận số phận, chấp nhận cái khổ chung của toàn thể dân chúng, có lẽ vì họ chưa nhìn thấy thế giới bên ngoài hiện đại ra sao, có lẽ họ chưa nhận thức được hết tất cả các quyền lợi của một con người được có ở một xứ khác, ngoài Việt Nam.  Ôi thật là tội nghiệp cho dân tộc tôi!  Đến khi nào những người thân thương của tôi, dân tộc tôi mới thật sự có được một phần nhỏ những gì những dân tộc khác có.  Đến khi nào?

Một người đàn bà ngoại quốc, độ ngoài 50 tuổi, hướng đến phía chiếc ghế đá tôi đang ngồi.   Bà đứng gần bên và lấy chiếc phone tay ra nói chuyện.  Tôi nghe loang thoáng bà nói tiếng Pháp.  Khi bà nói chuyện xong thì đến đầu ghế bên kia nhìn tôi mỉm cười, nét mặt tỏ vẻ như xin phép tôi hãy cho bà ngồi cùng.  Tôi chào bà và mời bà hãy tự nhiên ngồi chung với tôi.  Bà có vẻ ngạc nhiên và vui khi nghe tôi nói được tiếng Pháp và niềm nỡ chào đón bà.  Câu chuyện đưa đẩy và bà đã kể cho tôi nghe rằng bà có một đứa con trai người Việt.  Vợ chồng bà đã nhận nuôi cậu bé khi cậu ta chỉ được vài tháng, nay cậu con trai đã 26 tuổi.

Bà có mặt ở bệnh viện này hôm nay vì bà đưa một bà sơ đến để truyền hóa trị, bà sơ cũng bị ung thư như cậu Phong tôi.  Bà sơ này ngày xưa đã giúp vợ chồng bà nhận nuôi cậu con trai.  Sau hơn 26 năm, bà trở lại nhà dòng cũ, tìm gặp bà sơ ngày xưa để nhờ bà sơ giúp bà tìm lại người mẹ ruột của đứa con trai.  Tôi hỏi bà, "Vì sao bà lại muốn tìm người mẹ ruột của con trai bà vậy, có phải đó là mong muốn cuả cậu ta không?"  Tôi ngạc nhiên khi nghe bà trả lời rằng, "Con trai tôi không bao giờ có ý nghĩ đó, mong muốn này là từ tôi".  Bà chỉ nghĩ nếu con trai bà biết được người mẹ ruột của cậu ta là ai thì cũng rất hay, hơn nữa nếu người mẹ ruột đó cũng đang cần sự giúp đỡ thì gia đình bà sẽ sẵn lòng giúp cho, đó sẽ là một việc làm có ý nghĩa.  Cũng giống như khi tìm lại được bà sơ ngày xưa, biết được sơ đang mắc bệnh ung thư, giúp đỡ được sơ chữa trị gia đình bà đã rất hài lòng.

Tôi nghe chuyện mà cảm phục lòng nhân từ của người đàn bà này.  Tôi cứ cám ơn bà đã có trái tim nhân hậu giúp cho những người dù không phải là những người thân của tôi nhưng họ là dân tộc của tôi.

Bà sơ đã truyền xong thuốc và trở xuống, họ chào tôi và ra đi.  Tôi vẫn ngồi ở chiếc ghế đá đen đua và tiếp tục suy tư.  Sự xuất hiện của người đàn bà Pháp và câu chuyện của bà ta đã để lại trong tôi nhiều hy vọng.  Thượng Đế dường như đã muốn an ủi và có ý nhắn nhũ với tôi rằng, trong nỗi buồn nào, trong bất hạnh nào, cũng có những may mắn và hy vọng nếu giữ vững niềm tin, vậy nên tôi ước mong rằng, mỗi một ngày trôi qua sẽ có được thêm nhiều hơn những trái tim nhân hậu thay cho những trái tim độc ác, ích kỷ, khi đó những người thân thương của tôi, dân tộc Việt Nam của tôi sẽ bớt khổ và được thật sự sống đúng với ý nghĩa của chữ "Sống".

Cách đây gần một năm, một buổi sáng nọ, cậu Phong tôi thức dậy miệng ú ớ không nói được.  Người nhà cứ nghĩ là cậu bị trúng gió nên cạo gió cho cậu và cho cậu uống thuốc cảm.  Sau vài ngày phải mang theo giấy viết trên người để có thể nói chuyện được với những người xung quanh, cậu đã từ từ bình phục và nói lại được như trước.  Nhưng chỉ vài hôm sau thì chứng cũ lại tái phát và lưỡi cậu cứ lại cứng đờ không nói được thành lời.  Lúc này gia đình đã quyết định phải đưa cậu đi khám bệnh vì cái trúng gió này không bình thường.  Tình trạng bệnh lý của cậu có vẻ liên quan đến não bộ nên nhà thương đã cho siêu âm phần đầu.  Họ đã thấy có một khối u.  Khối u này vì căng phồng lên nên đã đè vào các dây thần kinh xung quanh và nó đã đưa đến hậu quả là cậu đã không thể phát âm được.  Sau nhiều tuần tìm cách chẩn bịnh và thử nghiệm, các bác sĩ đã nghĩ đó chỉ là một cái bướu thông thường và họ đã quyết định mổ để cắt bỏ nó đi.  Vài tuần sau, khi vết mổ lành và cậu đến tái khám thì Bác sĩ đã phát hiện lại có một khối u khác mọc lên ở ngay vị trí cũ.  Lần này thì họ không mổ nữa mà chỉ quyết định hút mũ bên trong ra, tuy nhiên họ vẫn chưa biết nguyên nhân của việc mũ cứ tăng trưỡng.  Một vài tuần sau nữa, ở ngay mắc cá chân trái của cậu lại có một khối u, bên trong cũng có mũ như trên đầu.  Lại phải mổ để cắt khối u đi.  Tính từ ngày cậu bắt đầu bệnh cho tới lần mổ này là đã gần sáu tháng trôi qua nhưng vẫn không có gì mới và chính xác trong việc định bệnh của cậu.

Bệnh trạng của cậu Phong đã được mọi người trong gia đình, từ Việt Nam ra cả nước ngoài, bàn tán rất nhiều.  Ai ai cũng lo âu, hay nói đúng hơn là nóng ruột khi vẫn chưa biết cậu mắc bệnh gì.  Một người bạn thân của một cậu đang ở Mỹ của tôi, khi nghe chuyện đã đề nghị sẽ liên lạc với người anh trai còn ở Việt Nam, hiện là một bác sĩ giỏi của bệnh viện Chợ Rẫy, có thể ông ta sẽ giúp được gì đó cho cậu Phong.  Sau vài tuần liên lạc qua lại, gia đình đã hoàn tất mọi thủ tục để chuyển cậu Phong từ bệnh viện địa phương sang bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đã có Bác sĩ quen đang chờ.  Đến đây cậu Phong đã được siêu âm toàn phần, người Bác sĩ quen cùng những đồng nghiệp của ông đã tìm ra được đúng căn bệnh của cậu Phong, đó là ung thư phổi, thời kỳ cuối, gốc chính nằm tại phổi, do không phát hiện kịp thời để ngăn chận nên ung thư phổi giờ đây đã mọc rể di căn đi khắp nơi và cứ ở một trạm lớn là có một khối u to.  Vậy có nghĩa là ung thư đã đi từ đầu xuống chân cậu rồi!  Gia đình tôi rất đau buồn trước cái tin sét đánh này.  Tuy hy vọng rất mỏng manh nhưng gia đình đã quyết định cậu còn sống ngày nào thì phải chữa trị cho cậu ngày đó, dù phải tốn kém rất nhiều.  Cậu đã được truyền hóa trị 2 lần, và lần này khi tôi về thăm cậu là lần truyền thứ 3.  Cậu ốm đi rất nhiều sau mỗi lần truyền thuốc.  Bà ngoại tôi là người luôn hết sức chăm sóc cho cậu để cậu lấy lại sức lực để chịu đựng thuốc.  Cái cảnh khi không có ai ở nhà, chỉ có Ông Bà ngoại tôi, mỗi người dìu một bên đưa cậu tôi đi tiêu đi tiểu, nhìn thấy thật là đau lòng.  Mọi người trong gia đình, dù bận rộn với cuộc sống bao nhiêu vẫn cố dành thời giờ đến thăm nom cậu, cái chính là để nâng đỡ và động viên tinh thần cho cậu.

Mợ Phong của tôi tìm cách giúp chồng quên đi đám mây đen đang che ngang cuộc đời cậu.  Chẳng biết đám mây đen đó có sẽ tan đi và trả lại cho cậu những ngày tươi sáng như trước kia không, hay nó cũng sẽ ra đi nhưng sẽ mang cả cậu Phong đi theo.

-   "Cái máng xối nhà mình hư, mỗi lần trời mưa nước cứ tạt vào nhà, anh mau hết bệnh để sửa lại nó!"  Mợ nói cậu với vẻ tự tin sẽ đến ngày cậu được lành bệnh, nhưng trong lòng mợ thì lại phập phòng lo âu không biết chồng mình còn sống được thêm bao lâu.

Bé Ngọc biết Bố bị ung thư nhưng bé không nhận thức được mức độ nghiêm trọng bệnh tình của bố bé.  Bé cũng không hiểu đầy đủ lắm danh từ "ung thư" có nghĩa gì.  Bé Ngọc chỉ đang học lớp 7, chưa tròn 13 tuổi đời.

-   "Bố ơi, cái quai cặp của con bị đứt rồi, Bố hãy sửa lại dùm cho con nhe!"  Bé Ngọc vô tư nói với bố bé như vậy.

Cậu Phong rất muốn làm hài lòng vợ con cậu nhưng cậu đã chẳng còn đủ sức để làm bất cứ việc gì, kể cả một công việc thật nhẹ nhàng, cỏn con là sửa lại chỉ cái quai cặp cho bé Ngọc.  Nhưng cậu Phong không muốn đứa con gái duy nhất, quý yêu nhất của cậu buồn nên trấn an nó:

-   "Đợi bố khỏe bố sẽ sửa cho con nhe!"

Thời gian đó ở Việt Nam, đâu đâu cũng rộ lên phong trào lượm trái Nhàu phơi nấu nước hoặc ngâm rượu uống trị ung thư.  Từ xa xưa, trái Nhàu đã được dân ta biết đến và sử dụng rất rộng rãi vì trong trái Nhàu có nhiều vị thuốc giúp hạ huyết áp, làm êm dịu thần kinh, lợi tiểu nhẹ, nhuận tràng, điều kinh, cảm hen, thũng, đau gân, đái đường, lỵ... vv, Sau này lại truyền tai nhau rằng trái Nhàu đã được khám phá có thể giúp ngăn ngừa và chữa trị ung thư.  Thế là cậu Phong cũng đã được uống nước trái Nhàu.  Cái hương vị của nó không dễ gì đi qua lọt cổ họng nhưng cậu cũng đã cố gắng uống.  Uống với hy vọng sẽ được hết bệnh, để tiếp tục sống với những người thương yêu cậu, để còn nuôi dậy bé Ngọc lớn khôn, để còn sửa lại cái máng xối cho mợ, để còn thương yêu các anh chị em của cậu và một điều quan trọng hơn hết đó là để còn báo hiếu cho cha mẹ cậu, họ đã nhiều tuổi nhưng vẫn còn khỏe thì tại sao cậu lại bệnh để làm phiền họ phải ngày đêm lo âu, đau buồn,... Cậu không muốn như vậy đâu!

Tôi trở về lại Pháp.  Trước khi từ giã cậu, tôi có đưa cho cậu chai nước Thánh mà tôi đã mang từ Lộ Đức về cho cậu.  Tôi đã đến tận nơi mà cách đây nhiều trăm năm Đức Mẹ đã hiện ra với bà Bernadette và làm phép lạ.  Tôi đã khấn xin Đức Mẹ hãy ban cho gia đình tôi một phép lạ, hãy ban tặng lại cho cậu Phong tôi sự sống, gia đình ngoại tôi đã mất quá nhiều sinh mạng trong gần hai chục năm qua.  Tôi chào cậu ra đi với niềm hy vọng cậu sẽ được lành bệnh.

Sau 4 lần truyền thuốc và uống thêm những bài thuốc Nam, thuốc Bắc, và nước trái Nhàu, cậu có vẻ khỏe ra nhiều, nhưng rồi một hôm cậu lại ốm đi không tưởng tượng được.  Cậu đau quá, mệt quá, chẳng còn thiết tha làm gì nữa, thế là cậu càng ngày càng ốm không còn chút thịt nào trên thân thể mà chỉ còn lại da và xương.  Và một ngày thật buồn của tháng 7 cậu đã vĩnh biệt mọi người ra đi.  Khi ung thư đã di căn đi khắp nơi thì đáng lẽ chỉ sống được thêm chừng vài tuần nhưng cậu Phong tôi thì đã sống thêm được gần một năm trời.  Sự ra đi của cậu động lòng tất cả mọi người vì ai cũng cứ nghĩ rằng cậu sẽ bình phục.  Làng xóm, láng giềng, người thân, ai ai cũng không cầm được nước mắt, nhất là khi nhìn thấy Ông Bà ngoại tôi kêu khóc, "Phong ơi, sao lại bỏ bố mẹ ra đi sớm vậy con!"  Bé Ngọc thì cứ trốn vào một góc nhà để khóc "Bố ơi!"  Ai ai cũng khóc bao ngày liền.

Sự sống ở trần gian này là vậy!  Đời người là vậy!  Sinh, lão, bệnh, tử, không ai tránh khỏi, chỉ khác nhau là sớm hay muộn, chỉ khác nhau là người ra đi để lại được nhiều hay ít tình thương cho kẻ còn ở lại, chỉ khác nhau là chết được bình yên hay chết mà còn vất vưởn giữa hai thế giới vì bị tiền bạc, vật chất, lợi danh hay vì những tội lỗi do mình đã gây ra, hành hạ và níu kéo.

Tôi cũng đã đau buồn rất nhiều, nhất là khi xem lại phim đám tang của cậu Phong tôi.  Tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại cậu nữa bằng xương bằng thịt.  Tôi sẽ không bao giờ còn được nghe tiếng cậu trả lời mỗi khi tôi gọi "Cậu Phong ơi!"

Cậu Phong đã ra đi hơn 3 năm nay.  Trong thời gian qua, cách nhìn của tôi về cuộc đời đã thay đổi.  Tôi đã không còn buồn nhiều mỗi khi nghĩ đến cậu nhưng thay vào đó là một sự nhớ nhung.  Qua bao biến cố và sự đời thay đổi, va chạm với người tốt kẻ xấu, đối diện với sinh tử, tôi đã nhận thấy rằng trong bất kỳ bất hạnh nào cũng có những may mắn và những niềm hạnh phúc nếu tôi suy ngẫm cho kỹ.  Những cái mất mát đã giúp tôi nhìn thấy được sự quý báu của những thứ còn ở lại.  Dù có mất hết tất cả nhưng vẫn còn sự sống thì coi như vẫn còn tất cả.  Bởi vì còn được sống thì tôi sẽ còn được thời gian để thực hiện những điều có ý nghĩa, những điều tôi mong muốn,... để khi ra đi, tôi sẽ chẳng có gì để hối tiếc. 

Nhớ cậu Phong,
December 2004,
Đỗ Ngọc Khánh Vân

 

Nguồn: http://www.khanhvanweb.com/

 

 

Khánh Vân
(11/07/2009 - 937 lượt xem)

Các bài viết khác cùng tác giả Khánh Vân
1 - Giọt Nước Mắt Thánh (27/04/2023 - 1226 lượt xem)
3 - Tình người sưởi ấm trái tim (11/07/2008 - 964 lượt xem)